Sáng tác

Một lần trò chuyện, tôi hỏi họa sĩ Nguyễn Trọng hợp rằng có phương pháp sáng tác không, rằng thời thày học trường Đông Dương thì các thày người Pháp dạy về sáng tác như thế nào, thì thày lắc đầu: không có. Ngay khi xem bài tập, các thày cũng chỉ gật với lắc, hoặc nhún vai. Mình phải quan sát  sắc thái trên mặt thày mà đoán ý thày mà làm việc thôi. Nhiều lúc các ông ấy cũng không nói gì!

Còn sáng tác thì phải tự tìm lấy cách của mình, không ai dạy cả. Nhà trường chỉ dạy kĩ năng và kiến thức nền cho nghề vẽ. Sáng tác thuộc về nhận thức và cảm  xúc của người vẽ, dạy thế nào được.

Vậy là không có chuyện dạy sáng tác.

Với Nguyễn Sáng thì sáng tác là “nắm chắc lấy quy luật triết học mà vẽ. Vẽ theo chính sách thì chỉ để lại mấy cái minh họa chứ không phải là tác phẩm, vì chính sách nào cũng vụ lợi cho nó trong một giai đoạn, chính sách lật mặt như bàn tay, nay thế này mai thế khác”. Còn cuộc sống thì luôn tuân thủ quy luật tự nhiên. Quy luật đó mới là bản chất cuộc sống, qui luật luôn trường tồn.

Họa sĩ Anh Thường thì bảo: Một tác phẩm hài hòa cần nắm chắc cặp phạm trù “Sự thống nhất giữa hai mặt đối lập”. Tạm hiểu là trong tối có sáng, trong cứng có mềm, trong nóng có lạnh. Cần hiểu nó  như thịt và cốt, thịt không thì mềm nhèo, cốt không thịt thì  khô cứng. Cơ thể người đẹp vì da thịt có cốt đỡ.

Nhưng đó có lẽ cũng chỉ là phần cơ bản của kĩ năng chuyển tải trong sáng tác. Bởi vì giá trị của tác phẩm  là tư tưởng, cảm xúc cuộc sống, giá trị nhân văn.

Đường rừng lắm nẻo  Màu nước trên giấy dó. 60x80cm  Mọi nẻo đường được khắc hoạ trên cùng một mặt tranh như nhiều góc nhìn, nhiều quan sát...
Đường rừng lắm nẻo
Màu nước trên giấy dó. 60x80cm
Mọi nẻo đường được khắc hoạ trên cùng một mặt tranh như nhiều góc nhìn, nhiều quan sát…

Với tôi, tôi vẽ cái tôi yêu thích, cái gì có ý nghĩa với cuộc sống con người mà tôi hiểu nhất. Vẽ tất cả những gì cho tôi cảm hứng ghi chép lại. Tôi muốn làm người kể chuyện về đất nước hoặc những nơi tôi từng đặt chân đến, giống như những cảm nhận trong các tản văn. Tôi muốn làm một Andexen…người kể chuyện cổ tích, muốn là một Raxun Gamzatop với Đaghetxtan- tình yêu của tôi, với đất nước mình!

Họa sĩ Đỗ Đức.

29/7/2014

 

Bài viết khác của Họa sĩ Đỗ Đức

Họa sĩ Mộng Bích: cây đại thụ lặng lẽ vẽ tranh Lụa

Chuyện Yết Kiêu (4): Nghiệp vẽ

Tự sự: Cái duyên với giấy dó 

Đầu năm trò chuyện với nhà văn Tô Hoài