Vạn lý độc hành – ngựa trong tranh Đỗ Đức

 

VOV.VN – Bằng trải nghiệm của mình, họa sĩ Đỗ Đức vẽ nên thân phận của ngựa với dáng vẻ lầm lũi, qua đó để nói đến kiếp người

Đi tìm nguồn cảm hứng từ những buổi chợ phiên, từ cuộc sống lao động của người dân đồng bào các dân tộc thiểu số vùng Tây Bắc, đầu năm 2014 này, họa sĩ Đỗ Đức đã cho ra mắt bộ sưu tập tranh “Ngựa trên núi” nhân dịp năm mới Giáp Ngọ.

Thô mộc, giản đơn, chỉ là kể những câu chuyện về con người và ngựa rong ruổi trong hành trình đi – về nơi hẻm núi, giữa rừng sâu… họa sĩ Đỗ Đức như người gợi mở những thanh âm của núi rừng với nhiều chiều kích khác nhau, trong đó điểm nhấn là hình ảnh những con ngựa – hồn sống của núi rừng Tây Bắc, đồng thời bộc lộ một triết lý sống nhân văn.

Họa sỹ Đỗ Đức bên những tác phẩm tranh của mình

 

Với người dân vùng đồng bằng, con gà trống là hình ảnh của đại cát với trí, dũng, thành đạt thì đối với người miền núi – hình ảnh con ngựa còn có thể thân thiết hơn. Một người đàn ông vùng cao say rượu, con ngựa của ông ta đã đưa người chủ về tận nhà. Đâu chỉ bởi “ngựa quen đường cũ” mà dường như ngựa cũng rất hiểu người. Đó chỉ là một trong rất nhiều câu chuyện mà người vẽ ngựa trên núi – họa sĩ Đỗ Đức kể lại sau những chuyến đi công tác triền miên ở miền núi.

Ông từng kể hình ảnh con ngựa thũng thẵng thồ hàng, chậm rãi gõ móng từng nhịp dần đi vào cảm xúc nghệ thuật từ lúc nào không nhớ nữa. Vì lẽ đó, họa sĩ Đỗ Đức cho ra đời những bức tranh vẽ về con ngựa, lúc thì gần gũi với con người trong những buổi chợ phiên, lúc thì cả người và ngựa nhỏ bé giữa núi rừng, cũng có lúc nhìn vào tranh, người ta thấy âm vang của tiếng ngựa hí trong sương sớm…

Bà Vũ Thanh Bình, một người yêu tranh vẽ về con ngựa của họa sĩ Đỗ Đức cho biết: “Họa sĩ Đỗ Đức là người sống rất nội tâm, rất tình cảm. Chỉ cần một nét bút thôi đã toát lên tính cách nội tâm, tài hoa của người họa sĩ đó. Tranh của ông, mỗi bức đều có một góc sống riêng, được gửi gắm trong đó. Ví dụ như bức tranh con ngựa rất nhỏ trong sự hùng vĩ của núi rừng nhưng nó vẫn vươn lên sự sống”.

Bức tranh “Một mình” của họa sỹ Đỗ Đức

 

Người đương thời vẽ tranh về con ngựa như họa sĩ Đỗ Đức phải nhắc đến danh họa Nguyễn Tư Nghiêm với tranh ngựa Thánh Gióng và ngựa trong bộ 12 con giáp. Bên cạnh đó, còn có họa sĩ Lê Trí Dũng với những nét vẽ tượng trưng, hình ảnh con ngựa lúc nào cũng trong tư thế tung bờm, bung vó đầy khát vọng mạnh mẽ.

Còn họa sĩ Đỗ Đức, không dám mạo muội so tài với bậc tiền nhân, càng không muốn lẫn mình với người khác mà bằng sự trải nghiệm của mình, ông vẽ thân phận của ngựa. Không một chút vẻ giàu sang, quyền quý, dũng mãnh như tranh vẽ về con ngựa ta từng xem, tranh vẽ về con ngựa của họa sĩ Đỗ Đức chỉ đơn giản là vẽ ngựa trên núi. Bằng việc chọn màu tương quan như màu lam, trắng và gam vàng… họa sĩ đã tạo nên không gian thực sự yên tĩnh, bộc lộ thần thái của núi rừng vùng Tây Bắc. Không quá nổi bật, ngựa của ông có lẽ không chỉ để ngắm mà còn hiển hiện hồn sống của núi rừng.

Ông Chu Quảng Bình – một người từng xem tranh của họa sĩ Đỗ Đức đã nhận định: “Xưa người ta vẽ ngựa dáng thanh cao, bờm vút lên. Riêng anh Đức vẽ một con ngựa rất đặc trưng, lầm lũi, sinh ra không phải làm cảnh. Nó là con ngựa thồ nên vai bắp to, đi thì chúi đầu xuống đất. Nếu ta nhìn thoáng qua thì thấy không đẹp nhưng nhìn kĩ, cảm thấy như chính là ta. Nó có thân phận, có hồn lắm. Nếu những người nào thích cảnh thì có lẽ không thích tranh anh Đức nhưng nếu ai có chiều sâu sẽ thích tranh của anh”.

Cái sự lạ trong tranh vẽ về con ngựa của Đỗ Đức có thể khiến nhiều người hiểu lầm là kiêu bởi ông từng nói “con ngựa trong mắt tôi không còn đẹp như tranh”. Ông lý giải: “Tôi gặp lại đàn ngựa thồ muối lầm lũi vượt dốc Phiềng Sa dầm mình với gió nắng miền Tây Bắc trong tác phẩm của nhà văn Tô Hoài. Những con ngựa cùng với những mã phu người nhẫy mồ hôi và bụi đường đi như mê, bí bách trong cái nóng ngột ngạt của rừng lặng gió… Nhìn thế mới nhận ra thân phận người và ngựa nào có khác gì nhau”. Hóa ra con đường riêng của ông là vậy: hình ảnh con ngựa thật mong manh nhưng chính nó đã cùng con người làm nên hồn cốt của núi rừng.

Hình ảnh con ngựa lầm lũi với bóng dáng người ở xa trong bức tranh “Phải chờ họ thôi”

 

Và cũng bởi một nét suy tư, đáng để mỗi người ngẫm ngợi, họa sĩ Đỗ Đức đã chia sẻ: “Trong sách mà tôi đọc khi nghiên cứu về ngựa, có một câu nói rất hay, đó là “vạn lý độc hành”. Tôi chọn hình tượng con ngựa, một con ngựa đi không có người dắt, dưới chân không có vệt đường để nói đến kiếp người. Trên con đường rất dài, vạn dặm thì anh phải tự chọn lấy đường anh đi, tự mở đường mà đi. Đừng về cá thể của mỗi cá nhân, về bản chất trong cuộc đời này thì mỗi cá nhân là “vạn lý độc hành” – độc hành trong tất cả mọi hành vi. Khi anh đã độc hành thì anh sẽ không có lý do để đổ lỗi cho người khác”.

Tết này, sẽ là một thú chơi tao nhã nếu như ai đó treo trong nhà một bức tranh vẽ về con ngựa. Còn họa sĩ Đỗ Đức dù có những người chơi tranh mang tranh vẽ về con ngựa của ông về treo để kịp đón năm mới, nhưng ông vẫn dành cho mình một không gian tại nhà riêng treo tranh ngựa, cho những ai yêu ngựa có thể lui tới thưởng tranh. Đem ngựa trên núi xuống đồng bằng, người họa sĩ đã đem tấm lòng mình gửi vào mỗi bức tranh, bằng sự trân trọng và thương yêu. Ông đã mang lại cho tranh vẽ về con ngựa một vị trí, một cái tên và mang lại cho chính mình một phong cách./.

Phương Thúy/VOV- Trung tâm Tin

 

 

Xem thêm:

Tự bạch của hoạ sĩ Đỗ Đức về Cao Nguyên Đá 

Vạn lý độc hành: ngựa trong tranh Đỗ Đức 

Mang “Cao nguyên đá” về Hà Nội

Bầy tranh sơn dầu tại Cao Nguyên Đá 

Sức sống của Cao Nguyên Đá trong tranh của Đỗ Đức

Xem toàn bộ tranh Cao Nguyên Đá Gallery