Tinh thần Root Arts

Hai họa sĩ Việt Nam với cuộc phiêu lưu nghệ thuật “Root Arts” vừa được tổ chức tại Pháp trong mùa Hè 2011.

Ở Bordeaux (Pháp) có một Trung tâm Mỹ thuật mang tên “Fenêtre Sur Rue” (Cửa sổ nhìn ra đường phố), do nữ họa sĩ Dominic Lobera phụ trách. Trung tâm này hoạt động dưới sự bảo trợ của thành phố và sự ủng hộ của những nhà hảo tâm, cùng các họa sĩ trong vùng. Trung tâm hoạt động với mục đích khẳng định vai trò của Mỹ thuật với đời sống xã hội. Họ có mối liên hệ chặt chẽ về mỹ thuật với một số nhà trường và các trung tâm xã hội bằng những chương trình Root Arts hàng năm, với khách mời là các họa sĩ nước ngoài. Tôi không biết tiếng Pháp. Người phiên dịch giải thích rằng Root Arts nghĩa là một cuộc phiêu lưu nghệ thuật…

Thực ra nó chẳng có gì là phiêu lưu, mà bao gồm những việc rất cụ thể.

Mỗi Root-Arts, “Fenêtre Sur Rue” mời từ một đến hai họa sĩ từ một quốc gia khác đến cùng làm việc với họ. Đến nay, trong 11 Root Arts đã có trên 20 họa sĩ của cả chục quốc gia từ Á, Phi, Mỹ La tinh đến với Bordeaux. Họa sĩ mỗi nước mang đến một chất liệu, một kĩ thuật và phong cách sáng tạo của mình để cùng làm việc với các họa sĩ trong vùng. Trao đổi kĩ thuật chỉ là nửa phần việc. Còn nửa kia là phần giao lưu cộng đồng như đến với nhà trường các trẻ khuyết tật, trại giáo dưỡng, trung tâm xã hội. Tại đây, khách mời làm việc với các trò nhỏ, cho chúng tiếp cận với nghệ thuật của xứ người. Còn phần thứ ba cũng được sắp trong lịch làm việc là đi tham quan nông thôn, núi và biển của Bordeaux. Tiêu chí của các hoạt động này là nhằm giúp nghệ sĩ mở mang mối bang giao ra thế giới, để hiểu hơn thế giới bên ngoài, cũng như để hiểu mình đang ở đâu, và đó là công việc để khẳng định vai trò người nghệ sĩ với xã hội chứ không phải chỉ biết sáng tác cho riêng mình.

Root Arts 2011 này, tôi cùng họa sĩ Lê Huy Tiếp khăn gói đến Bordeaux. Trong hành trang của tôi là những con dao, ván khắc và những bức tranh khắc gỗ. Lê Huy Tiếp thì đem theo những lá kẽm in offset, cùng bút chì, hóa chất cho các tác phẩm in kẽm. Năm nay đề tài của Root Arts là “Đất”. Đất cho sự sống, đất là nền tảng của các giá trị.

Hoạ sĩ Đỗ Đức làm việc với các em học sinh
Hoạ sĩ Đỗ Đức làm việc với các em học sinh
Hoạ sĩ Đỗ Đức hướng dẫn cách in tranh khắc gỗ
Hoạ sĩ Đỗ Đức hướng dẫn cách in tranh khắc gỗ
Chị Dominique Lobera, giám đốc trung tâm Fenetre sur la rue
Chị Dominique Lobera, giám đốc trung tâm Fenetre sur la rue
Hai hoạ sĩ Đỗ Đức và Lê Huy Tiếp tại xưởng sáng tác của Fenetre sur la rue.
Hai hoạ sĩ Đỗ Đức và Lê Huy Tiếp tại xưởng sáng tác của Fenetre sur la rue.

Cũng gọi là đề tài thế thôi, còn trao đổi kĩ thuật thì đề tài chỉ là cái cớ cho công việc. Hai nghệ sĩ của Pháp là nữ điêu khắc Sophie Zina và nữ họa sĩ Margot Eybert, họ cũng từng tu nghiệp từ Đức, từ Tây Ban Nha về đồ họa. Các họa sĩ khác như Eric Couillandreau (sắp đặt), Sylvanie Tendron (video Arts), Dominic Lobera (printing) Magalie Darsouze,… tất cả là 23 họa sĩ trong vùng cùng nhau tụ hội cùng bày tranh và trao đổi để tìm ra cái mới từ kĩ thuật tranh in truyền thống của Việt Nam, như khắc gỗ dùng dao trổ chứ không chỉ bổ bằng vê, móng, bạt và mũi bẩy. Khi làm việc, họ phải học từ cách mài dao, chọn bố cục cho đến chọn loại gỗ nào cho công việc..

Trong khoa học ứng dụng, công nghệ tiên tiến thì cho sản phẩm chất lượng tiêu dùng cao. Nhưng trong nghệ thuật thì công nghệ cao có khi không giải quyết được vấn đề vì nó là sản phẩm của bàn tay công với xúc cảm từ trái tim mà thành. Nên nghệ sĩ không thể ỷ lại vào phương tiện, cho dù đó là phương tiện tiên tiến nhất. Do vậy mà những buổi làm việc cùng nhau bao giờ cũng có sự hào hứng sôi nổi. Sau những buổi cặm cụi bên xưởng vẽ, có những buổi chiều chúng tôi được đón tại nhà một nghệ sĩ trong vùng. Có lần chúng tôi vượt 60km về nhà nữ họa sĩ Arlette ở La Rionle vẽ và nung gốm Raku, một kĩ thuật chế tác gốm truyền thống của Nhật Bản đang khá phổ biến trong một số họa sĩ ở Pháp. Chúng tôi trò chuyện về cuộc sống nghệ thuật, đời sống vật chất của sứ sở mình. Nghệ thuật nào cũng sản sinh ra từ cuộc sống bởi nó là tiếng vọng của trái tim người nghệ sĩ với cuộc đời, nên trò chuyện cũng là cách thức tiếp cận để hiểu nhau nhanh nhất.

Đến với lớp học của các trẻ khuyết tật, cô giáo giới thiệu tên hai họa sĩ và xứ sở Việt Nam. Cô hỏi: Có ai biết Việt Nam ở chỗ nào trên bản đồ thế giới?. Một bé nhanh nhảu chỉ lên bán đảo Scandinavia, một số em khác lắc đầu, có em ngồi im. Lúc ấy cô mới chỉ lên dải đất hình chữ S. bọn trẻ cùng ồ lên, lần đầu chúng biết được con người của một quốc gia xa nước Pháp đến 11 giờ bay. Những cuộc giao lưu như thế để thêm một cháu bé nơi xa xôi biết thêm về một nước Việt Nam… đó cũng là vai trò của nghệ thuật, trách nhiệm của nghệ sĩ với thế giới bên ngoài. Chúng tôi còn tham gia vào một buổi ngoại khóa với lớp của trẻ khuyết tật, lên tàu thủy xuôi dòng sông Garonne, ăn cùng trên tàu, vẽ cùng trên tàu. Kết thúc buổi dạo chơi ngoài trời, các cô giáo cho các trẻ nhặt bất cứ thứ gì chúng thích đem về trường. Cô chụp ảnh in ra, photo thành nhiều bản, rồi phát cho nhiều em. Bọn trẻ được yêu cầu dựa vào hình ảnh trong bức photo và vẽ thêm thành tranh theo cách tưởng tượng của từng đứa. Kết quả là cùng một hình cong queo của khúc gỗ, có em vẽ thành ông còng chống gậy, có đứa biến thành con thuyền, bé khác lại vẽ thành chiếc võng đung đưa… Đó là cách gợi mở từ một hình ảnh vu vơ thành bức tranh có nội dung. Sự khơi gợi cho sáng tạo để các cháu khi lớn lên không xa lạ với tạo hình mỹ thuật được gợi mở nhẹ nhàng như vậy đó.

Một sáng tác in kẽm của các cháu nhỏ thực hiện dưới sự hướng dẫn của hai hoạ sĩ Việt Nam.
Một sáng tác in kẽm của các cháu nhỏ thực hiện dưới sự hướng dẫn của hai hoạ sĩ Việt Nam.
Một sáng tác độc đáo khác.
Một sáng tác độc đáo khác.

Buổi tiếp xúc ở một trại cai nghiện, không có phiên dịch, tôi làm việc bằng ra hiệu cho họ quan sát cách thức khi in một bức tranh khắc gỗ, sau đó đưa cho họ bản khắc để tất cả cùng thực hiện. Nhưng họ không hoàn toàn rập khuôn làm theo chỉ dẫn. Có một số đem bản khắc lăn nhiều màu ở từng phần theo cách nghĩ của họ rồi mới in. Có người lại làm theo cách in âm bản, không in nét mà chỉ in mảng màu. Chính họ cũng đang gợi lại cho tôi một cách làm theo lối tư duy mở để tìm ra cái khác người trong nghệ thuật.

Tôi hiểu được tại sao những cuộc gặp gỡ như vậy được trung tâm “Fenetre Sur Rue” định vị bằng hai từ “Root Arts”. Vâng, phiêu lưu để tìm kiếm là của cả hai phía, đâu chỉ là việc riêng của nghệ sĩ.

Hoạ sĩ Đỗ Đức tại Pháp, 2011.
Hoạ sĩ Đỗ Đức tại Pháp, 2011.
Hoạ sĩ Đỗ Đức tại Pháp, 2011
Hoạ sĩ Đỗ Đức tại Pháp, 2011
Cây cột trước nhà một người nông dân trồng nho ở Bordeaux treo những chai rượu như một tác phẩm sắp đặt.
Cây cột trước nhà một người nông dân trồng nho ở Bordeaux treo những chai rượu như một tác phẩm sắp đặt.

Thông tin thực tế

Root Art 2011 tổ chức tại Bordeaux, từ 15/5-19/6/2011, khách mời là hai họa sĩ Việt Nam Đỗ Đức và Lê Huy Tiếp

 

Xem thêm:

Cõi tình  Khau Vai

Tự sự: Cái duyên với giấy dó 

Đầu năm trò chuyện với nhà văn Tô Hoài 

Xem toàn bộ tranh Cao Nguyên Đá Gallery