Nhớ hoạ sĩ Đỗ Xuân Doãn “Đi pep thôi”.

Đi “pep” thôi…

Đó là từ của Đỗ Xuân Doãn rủ đi uống bia hoặc ăn nhậu gì đó.

Tôi làm ở nhà xuất bản, Đỗ Xuân Doãn là họa sĩ của Xưởng họa quốc gia. Ông là cộng tác viên, vì thế mà chúng tôi quen nhau.

Ông gầy, người thẳng thớm hơi dây, tuổi “sửu” mà tướng “hầu”, trông xa đẹp như diễn viên điện ảnh, nhưng đến gần thì nhận ra hình thức không suôn sẻ như thế, tay hơi dài và mặt nhàu, mắt hơi híp và đuôi mắt cụp xuống khiêm nhường.

Người có tướng khỉ thường thông minh nhanh nhẹn. Đỗ Xuân Doãn hợp tướng tinh, ông nhanh nhẹn  và thông minh trong mọi công việc.

Ông ăn nói có duyên, dễ mến dễ gần, không phân đẳng cấp, ai cũng có thể gần ông và có thể  thân quen ngay sau chén trà  vại bia.

Vẽ đẹp, làm sơn mài truyền thống ông là người số Một.

Ông vẽ dễ như nói chuyện, câu chuyện kéo dài mãi không bao giờ dứt.

Với ông việc kiếm tiền có nhẽ luôn là việc hàng đầu.

Và có tiền là “ pep”.

 

Khi xung quanh nghèo nhất thì ông luôn có tiền.

Ông kiếm tiền nhanh như nông phu hái rau muống.

Sơn mài ông làm theo lối truyền thống khá nổi tiếng.

Ông vẽ tranh truyện vừa đẹp vừa nhanh

Lúc bí tiền, ông còn ngồi nhà bịa “ kí họa” từ những tư liệu cũng ra tiền.

Lại còn vẽ tranh bán tại Xunhasaba.

Ông là người suốt đời kiếm tiền bằng nghề , sống bằng nghề.

Nhưng tiền vào tay ông chưa ấm thì nó đã ra đi.

Tiền chui vào quán nhậu với đám đàn em, tiền cho người tình…

Mọi người khen ông có số đào hoa, khó mà kiểm kê ông có bao nhiêu người tình, nhưng những em nào lộ ra đều khá xinh đẹp.

 

Ông là người coi nhẹ đồng tiền, dùng tiền theo phong cách Nam Bộ. Nên với ông sáng giàu chiều nghèo, sáng no chiều đói là chuyện bình thường.

Vừa lĩnh nhuận bút xong, gặp “em” đang lúc bấn bo ông rút cả cục tiền dúi vào tay, có khi chả giữ lại đồng nào.

Những năm 80,  con tôi ốm nằm viện, ông đến nhà xuất bản nhận nhuận bút xong, bẻ đôi cục tiền dúi vào tay tôi: cầm lấy  mang về thuốc men cho con. Tôi bảo: Anh Doãn, nhà em lăn lóc trông con ở Viện mấy tháng rồi, anh ghé qua nhá, đưa số tiền này khích lệ  cô ấy một chút.

Tôi không cầm số tiền mà bảo với ông thế.

Tôi nói tiếp, giờ em cầm về cả đống tiền to bằng mấy tháng lương vợ em sẽ nghĩ làm gì có ai cho nhiều thế, chắc bố nó làm ra rồi nói thế động viên  em thôi.

Những năm tám mươi sau ngày thống nhất  miền Bắc đói kinh khủng, lương một tháng tiêu trong một tuần là nhẵn trọi mà ông dùng tiền như thế.

Ông ngần ngừ,  vì đang trên đường đến cơ quan làm việc, lại mấy đàn em nhậy thông tin, ngửi thấy hơi tiền của ông anh đã thập thò đón dưới đường, nên cuối cùng ông không đi. Chiều ông ghé qua chỗ tôi làm móc túi chìa ra mấy đồng lẻ, khoe: Sáng đưa mày không cầm, chúng nó rỉa hết, còn hơn ba chục! Tôi chỉ còn biết lắc đầu.

Bây giờ chuyện nhậu là giao tế, nhưng những năm nói trên, nhậu là được bữa no. Ông đến lĩnh tiền thì đã vài ba cậu đệ tử đứng chờ ở dưới đường. Khổ!

Tuổi Trâu (Đinh Sửu- 1937) nhưng ông đi về như ngựa. Kiếm ăn bao giờ cũng khiến ông miệt mài, nhưng có tiền là ông rải nhanh như cô đồng ban lộc. Chị Mai vợ ông ghen, nhưng bó tay.

Rồi thấy ông bỏ việc ở Xưởng mĩ thuật quốc gia.

Ông vào miền Trung rồi ông vào Nam.

Ở miền trung, có cô học trò theo ông, bám riết và rồi thành vợ lúc nào không biết. Cô mau mắn sinh cho ông hai con gái  khi ông đã ngoại lục tuần.

Từ đây bắt đầu cuộc mưu sinh bằng bán sức lao động.

Bà  Phượng là người buôn tranh nổi tiếng ở Sài gòn chiêu nạp ông. Nghe nói ông làm sơn mài, bà trả công theo mét vuông.

Chỉ là nghe vậy thôi, chẳng có gì kiểm chứng.

Ông từng vài lần sang Pháp dự khai mạc triển lãm những bức tranh ông đã bán. Tất nhiên việc đi lại có bà Phượng lo.

Rồi lại nghe tin ông có cô vợ thứ ba. Cách đây hai năm một người bạn cho tôi biết: “Doãn ốm lắm, nhưng vào thăm cũng khó. Cô ba quản chặt, ai gọi cũng tra soát kĩ mới cho gặp, ông ấy vẽ tranh bán, cô ba quản tiền, hu hu”.

Sài gòn rộng mênh mông, biết tìm đâu. Nên chuyến ấy vào Sài gòn tôi cũng không gặp được.

Trên chục năm trước, có lần ra Hà Nội ông đến chơi với tôi. Hàn huyên một lúc  thấy mặt ông rầu rầu, ông chìa cho tôi tờ viết tay A4 tâm sự: Đức ơi, mày xem hợp  đồng 3 tỉ của tao đây này…Ba tỉ mà trong tay chẳng có đồng nào.

Trưa, tôi mời ông đi ăn bún măng. Xuống thềm đường nơi cả mấy chục năm ông quen đi về nhận hợp đồng vẽ tranh chuyên đã thuộc đến ngóc ngách mà ông bước hụt suýt ngã. May mà tôi kịp đỡ. Hỏi sao thế, ông bảo mắt tao kém lắm mày ạ. Bây giờ nhìn chỉ lờ mờ.

Một họa sĩ sáng danh từng có tranh lưu giữ trong Bảo tàng Mĩ thuật mà ông bỏ nghiệp sáng tác đi theo kiếm sống thị trường và dần dà bị thị trường nó túm cổ áo bắt làm việc. Dĩ nhiên những hợp đồng tiền tấn cũng chỉ làm theo những mặt hàng ăn khách, và đám lá tre ấy cũng bay vèo vèo như lá mùa thu, khi ông có thói quen vung tay như cô đồng trong giá.

Hôm nay tôi cũng chẳng có chút vân mòng về ông, dù biết ông vẫn ở giữa thành phố Sài Gòn.

Một con người tài hoa  trôi theo dòng đời, không khép mình vào ai nhưng cuối cũng vẫn bị đồng tiền và tình ái bắt vít lên cây thập tự.

Ông đúng là “pep”!

Âu cũng là lựa chọn của ông. Có thể ông vẫn có hạnh phúc đầy đặn theo nghĩa của ông.

Đỗ Đức, 11/10/2013

 

Xem thêm

Họa sĩ Mộng Bích: cây đại thụ lặng lẽ vẽ tranh Lụa

Hoạ sĩ Nguyễn Sáng: Đừng vẽ theo chính sách

Điêu khắc gia Hứa Tử Hoài: nghệ sĩ độc hành

Chuyện Yết Kiêu (4): Nghiệp vẽ

  2 comments for “Nhớ hoạ sĩ Đỗ Xuân Doãn “Đi pep thôi”.

Comments are closed.