Chuyện Yết Kiêu (3): Nhất quỷ nhì ma, thầy và trò Yết Kiêu.

Nghề vẽ là nghề cô độc, mỗi họa sĩ là một ông vua nên từ lúc đào tạo đã sinh lắm chuyện, kể cả trong lúc chơi đùa của đám môn sinh này..

Cái quan trọng là thi vào được trường, còn vào trường rồi, thích thì học không thích thì chơi. Học nghệ thuật là vậy, nó không giống như các ngành kinh tế, khoa học khác, thày không thể cầm cây bút viên than ấn vào tay trò rồi quát “ vẽ đi”  là được đâu…Lên lớp thày chỉ nói phương pháp, còn sinh viên thì đánh vật với mẫu, cuối tuần thày nhận xét.

Mỗi năm cũng hai ba tháng xuống làng xóm thực tập, đi vẽ và kí họa. Là sinh viên mĩ thật thì đi đâu cũng được cảm tình. Vừa xuống đến làng đã có ông già  bà cả  nghĩ đến chuyện nhờ một chú khéo tay truyền thần cho cái chân dung để sau này đặt lên bàn thờ. Hồi ấy chưa sẵn nhiếp ảnh như bây giờ. Nên nghề vẽ là nghề dẽ gần, dễ gây được cảm tình nhanh.

Có một lần cánh sinh viên vầ thực tập ở một làng trung du. Đêm đầu xa phố phường, các con giời buồn vì chẳng còn trò gì chơi, cả lũ dắt nhau ra cánh đồng…

Sáng hôm sau, cả một vườn bí đỏ rìa làng đầy quả lăn lóc như đàn lợn con tự nhiên biến mất dạng, đất bị đào bới lung tung. Còn ai vào đây nữa, Chắc chỉ là bọn sinh viên ăn cắp. Nhưng không kết tội chúng được. Nào có ai thấy chúng cắt bí về nấu ăn hay cất giấu đem bán. Làm gì có chứng cứ gì. Bí thì đã mất. Dân xóm nhìn đám sinh viên, chúng  nhăn nhở rất đáng ngờ nhưng bó tay, có họa chúng có phép phù thủy điều nổi âm binh. Nhưng từ hôm ấy người ta thấy cần đề phòng lũ quỉ sứ này…

Một ngày, hai ngày rồi ba ngày.

Ngày thứ ba dân xóm ra vườn bí  bất ngờ lại trông thấy quả đầy lăn lóc mặt ruộng chẳng thiếu quả nào. Thế mà nỡ nghi oan cho đám sinh viên, hê hê!…

Mọi người có biết đâu, đêm đầu rời phố về làng buồn chân buồn tay chẳng có chỗ chơi, đám sinh viên kéo ra bới đất  chôn hết  bí xuống. Đến khi mọi người hết hi vọng tìm lại thì chúng lại mò ra bới đất lên, đặt bí lại đúng vị trí cũ. Cuối cùng cũng chẳng ai biết chuyện này. Thế mà lớp trò ấy bây giờ đã qua tuổi bảy mươi cả rồi.

Đấy là đùa với dân. Với thày già trong trường chúng cũng chẳng tha.

Hồi ấy thày LXN có chiếc xe đạp  thống Nhất sơn màu cánh chả, quí hơn cả xe máy bây giờ. Lên lớp, thày khóa xe cẩn thận dựng ở vách tường. Khi xuống thì chiếc xe mất dạng. Thế vào chỗ ấy là chiếc xe khác  mới tinh màu đỏ chói. Hốt hoảng thày chạy đi báo công an. Hàng giờ sau mới trở lại trường thì thày lại thấy chiếc xe ở chỗ cũ. Thì ra lũ vô công rồi nghề nhân khi thày trên lớp, đem goát đỏ quét tiệt lên khung xe nên  vẫn xe ấy trước mặt mà thày không nhận ra. Khi thầy đi báo công an thì chúng vội vàng khênh xe đi rửa  sạch rồi để lại như cũ. Hầy zà , thày bị một phen hết hồn.

Lần khác với thày trẻ LTS, chúng lẳng lặng tháo trộm yên xe giấu đi. Xuống lớp biết mất yên, thày cũng chẳng tìm hỏi, cứ thế lặng lẽ dắt xe ra cổng. Rồi cuối cùng cũng có đứa chạy theo ôm cái yên xe của thày réo rắt, bảo là bắt được ở phòng Giám hiệu đem biếu thày ! Láo thế chứ.

Còn nhớ vào mấy chục năm trước, có một sinh viên   quê ở thành Nam là khách thân thiết của quán trà cổng trường. Nó cứ  ra ăn kẹo, hút thuốc và uống trà ghi sổ. Rồi một hôm cuối hè  bà lão bán nước nghếnh ngãng lần mò vào trường  réo tên nó đòi tính sổ nợ. Nhưng sao lại là tên thày hiệu trưởng?  Hóa ra nó lấy tên thày ghi sổ. Hỏi mới biết hết khóa  học nó đã biến về quê từ bao giờ rồi.

Trò thì thế, còn thày thì sao?

Có một thày trong giờ giảng cho đám sinh viên tại chức (là cánh cán bộ đi học một năm ba tháng), chúng hết hỏi tử vi tướng số dịch học rồi quay sang YOGA. Thày bị cuốn theo, trồng cây chuối cho lũ sinh đồ xem. Giữa lúc đó thì thày già chủ nhiệm xuất hiên bất ngờ gọi lớn tên thày trẻ, bảo: này anh đang thị phạm cái gì đấy. Thày trẻ chợt tỉnh giấc mơ, mặt đỏ hơn say bia đứng phắt dậy trong tư thế chào cờ,  đầu cúi im thít. Cũng may thày chủ nhiệm chỉ hỏi thế rồi đi ra, không cần nghe trả lời, cũng chẳng cần kiếm điểm sâu sắc. Nhưng từ đấy vía bố, không thấy thày trẻ vượt rào ra ngoai giáo án nữa.

Giảng dạy ở truơng đại học, lại là trường nghệ thuật dạy cũng không đơn giản. Một lần ở lớp cán bộ tại chức bọn tôi khi thày dạy lí luận phân tích tác phẩm nói đến tính dân tộc, tính Đảng, tính nhân dân, tính chiến đấu thì ở dưới  sinh viên XD nhăn nhở đế thêm thêm: còn thiếu một tính nữa là tính tiền thày ạ, mà thày quên mất. Sau đó nó lại còn cười cười  “Hay là nói đến tiền thày ngượng không nói hết ý”.  Đến nước ấy thì thày cũng đành để nụ cười ra ngoài, cất bực mình vào trong, chứ biết làm sao!

Yết Kiêu là vậy. Cho nên, hỏi học ở đâu, chỉ cần nói Yết Kiêu. Đúng chỉ cần Yết Kiêu nó mới như thế!!

Đỗ Đức, 3/7/2010

 

Xem thêm:

Chuyện Yết Kiêu (2): Đi Thi

Chuyện Yết Kiêu (4): Nghiệp vẽ

Tự sự: Cái duyên với giấy dó 

Đầu năm trò chuyện với nhà văn Tô Hoài 

Tinh thần Root Arts (Pháp, 2011)

 

  1 comment for “Chuyện Yết Kiêu (3): Nhất quỷ nhì ma, thầy và trò Yết Kiêu.

Comments are closed.