Bày tranh sơn dầu tại Cao nguyên đá

Bài gốc đăng trên báo Thể Thao Văn Hoá, xin cám ơn phóng viên Phạm Mỹ.

 

Trong tiếng khèn Mông dặt dìu, đồng bào tại cao nguyên đá ngạc nhiên khi được thưởng ngoạn một sự kiện lạ. Đó là triển lãm tranh sơn dầu của họa sĩ Đỗ Đức do báo Thể thao &Văn hóa (TTXVN) phối hợp với UBND huyện Đồng Văn tổ chức.

Triển lãm Cao nguyên đá của họa sĩ Đỗ Đức vừa kết thúc thành công hôm qua (2/9) tại phố cổ Đồng Văn. 20 bức tranh sơn dầu với đề tài núi và người Hà Giang nằm gọn tại gian chợ cổ trăm năm tuổi, biểu tượng của phố cổ Đồng Văn (Hà Giang).

Trao đổi với TT&VH về lý do mở triển lãm, họa sĩ Đỗ Đức nói: “Cao nguyên đá truyền cho tôi cảm hứng bất tận. Vì vậy, sau 40 năm lăn lộn, hòa mình vào đá và người Hà Giang, tôi muốn mở triển lãm để tri ân mảnh đất này”.

Ông cho rằng, giá trị cổ sinh của Cao nguyên đá khi nó thành “Công viên địa chất toàn cầu” không lớn hơn các giá trị văn hóa mà người dân rẻo cao ở đây đã xác lập. Họ giống như tách ở đá ra, sống hòa mình với đá và tồn tại mãi với thời gian. Điều đó lớn lao vô cùng vì nó trường tồn mãi trong lòng dân tộc. Giá trị quốc tế kia chỉ như phần xác lập thêm trên cái giá trị vốn có của mảnh đất cao nguyên này.

HS Đỗ Đức (phải) giới thiệu tác phẩm tại triển lãm với ông Triệu Tài Vinh - Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang
HS Đỗ Đức (phải) giới thiệu tác phẩm tại triển lãm với ông Triệu Tài Vinh – Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang

Cùng họa sĩ Đỗ Đức mở triển lãm, đại diện BTC cho hay: Báo TT&VH quyết đồng hành cùng họa sĩ Đỗ Đức ngay khi nghe ông trình bày về tính nhân văn và ý nghĩa văn hóa của chương trình. Việc đem nghệ thuật hàn lâm lên non “đãi” đồng bào cùng hoạt động bán tranh để xây nhà từ thiện cho các hộ dân nghèo ở Đồng Văn chính là những giá trị mà TT&VH theo đuổi.

Ngoài đồng bào các dân tộc rẻo cao, triển lãm cũng có sự góp mặt của nhiều học giả, cán bộ địa phương như: ông Triệu Tài Vinh, Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang, nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên… Những vị khách đặc biệt thăm mô hình “đưa nghệ thuật hàn lâm… lên non” lần đầu tiên này đều đánh giá cao hiệu quả và ý nghĩa của chương trình..

Ngay khi khai mạc triển lãm, BTC đã tổ chức đấu giá thành công 2 bức tranh mang tên Gặp nhau trên nươngMẹ trong đá với tổng giá trị hơn 80 triệu đồng. Số tiền này sẽ được họa sĩ Đỗ Đức cùng báo TT&VH thực hiện xóa “nhà tạm” cho 2 hộ dân nghèo ở huyện Đồng Văn.

Bên cạnh đó, bức tranh Mã Pì Lèng của họa sĩ Đỗ Đức cũng đã được một người giấu tên mua ngay khi kết thúc triển lãm với giá 30 triệu đồng.

Phạm Mỹ

 

Xem thêm:

Mang “Cao nguyên đá” về Hà Nội

Tự bạch của hoạ sĩ Đỗ Đức về Cao Nguyên Đá 

Vạn lý độc hành: ngựa trong tranh Đỗ Đức 

Sức sống của Cao Nguyên Đá trong tranh của Đỗ Đức

Xem toàn bộ tranh Cao Nguyên Đá Gallery